Nội dung trên được nêu tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 24/6.
Ở dự thảo về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này được sản xuất nhưng chỉ tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác hay lên lưới quốc gia. Điện mặt trời mái nhà không nối lưới sẽ không giới hạn phát triển. Còn trường hợp nối không vượt quá công suất phân bổ trong Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).
Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm tự sản, tự tiêu theo hướng sản xuất ra cơ bản để dùng. Với điện dư thừa, nếu lắp pin lưu trữ, tích điện, EVN nghiên cứu đề xuất mua với giá hợp lý, đặc biệt vào giờ cao điểm. Trường hợp không pin lưu trữ, EVN mua với giá thấp nhất trên thị trường mà đơn vị này mua của các hộ bán điện khác.
Theo yêu cầu của ông Hà, lượng điện dư thừa mà EVN mua lại có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của nhà đèn. Bộ Công Thương phải nghiên cứu, tính toán giá 2 thành phần, khi không có mặt trời, vào giờ cao điểm khác thời điểm nắng to; hay mức giá với trường hợp có thiết bị, pin lưu trữ khác không có. Việc này để bảo đảm công bằng, khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, điện thông minh.
Công nhân lắp đặt tại một dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh: VGPTrước đó, một số chuyên gia cũng đề xuất người dân được bán điện dư thừa cho EVN, hoặc khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong kỳ thanh toán như tín dụng, hoặc tính bằng một tỷ lệ nhất định so với giá mua điện lưới. Nhưng khi đó Bộ Công Thương cho thấy không "mặn mà" với mua bán bởi nguồn điện này không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết. Để có thể mua được lượng điện dư thừa, Nhà nước sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí để đầu tư hệ thống lưu trữ và truyền tải, cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng.
Bộ này còn khẳng định Chính phủ đang khuyến khích lắp điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu với mục đích tự dùng, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, chứ không phải để kinh doanh, ưu đãi như trước đây. Tổ chức, cá nhân có thể chọn xả lên lưới "là một sự ưu ái, may mắn", theo Bộ Công Thương
Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Tại thông báo, lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp sử dụng Zero export cho từng đối tượng, công suất của hệ thống. Đây là thiết bị đảm bảo không có điện dư thừa từ hệ thống năng lượng mặt trời tạo ra và phát ngược trở lại lưới. Việc này nhằm đảm bảo nguồn năng lượng này phát triển hài hòa với các nguồn khác theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Giải pháp bảo đảm an toàn lưới điện với công trình trong khu, cụm công nghiệp công suất lớn cũng cần được tính tới.
Để khuyến khích loại hình này, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đơn giản quy trình, thủ tục bằng cách xây dựng bộ hồ sơ mẫu, quy định rõ thủ tục, thời gian giải quyết. Cùng đó, nhà chức trách cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt...
Phát triển loại hình này sẽ làm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước trong đầu tư thêm nguồn điện mới. Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ (về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt) để khuyến khích, bảo đảm lợi ích lâu dài.
Ngoài ra, ông cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với trụ sở cơ quan công sở được xây dựng mới phải có thiết kế mái nhà cho điện mặt trời.
Ngoài loại hình tự sản tự tiêu, điện mặt trời mái nhà cùng một số dạng năng lượng tái tạo khác (mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu) có thể tham gia mua bán trực tiếp, theo cơ chế mua bán trực tiếp giữa bên phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) đang được nhà chức trách lấy ý kiến. Các dự án này không giới hạn về công suất nhưng phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoặc được miễn trừ giấy phép theo quy định.
Các dự án năng lượng gió, mặt trời muốn tham gia mua bán trực tiếp qua lưới quốc gia sẽ phải có công suất trên 10 MW.
Phó thủ tướng yêu cầu Nghị định cần nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, EVN trong việc bảo đảm an toàn hệ thống khi cho mua bán qua lưới. Các đơn vị này cũng phải theo dõi, đưa ra số liệu chính xác về khả năng truyền, phụ tải ở từng vùng và điều chỉnh quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Riêng trường hợp mua bán qua đường dây riêng không cần đưa vào quy hoạch.
Cơ quan quản lý phải xây dựng chế tài cảnh báo, xử lý những vi phạm liên quan đến mua bán điện trực tiếp như đăng ký, cập nhật số liệu, đấu nối và thanh, kiểm tra theo cơ chế hậu kiểm.